Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày đăng kí cuối cùng là hai ngày quan trọng mà nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu hoặc có ý định mua cổ phiếu cần phải hiểu rõ để không bỏ lỡ các quyền lợi của mình.
1. Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì? Ngày đăng kí cuối cùng là gì?
Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày mà khi nhà đầu tư mua cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền lợi của cổ đông như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với tỉ lệ hoặc giá ưu đãi, quyền tham dự đại hội đồng cổ đông,…
Ngày đăng ký cuối cùng là ngày Trung tâm lưu ký chốt danh sách những nhà đầu tư đã sở hữu cổ phiếu nhằm thực hiện các quyền cho cổ đông. Nếu có tên trong danh sách, người đó sẽ có quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm và các quyền lợi cổ đông khác.
Theo quy định T+2 hiện tại, phải hai ngày sau khi nhà đầu tư mua cổ phiếu mới thực sự sở hữu cổ phiếu. Do đó, ngày giao dịch trước ngày đăng ký cuối cùng sẽ là ngày giao dịch mà nhà đầu tư sẽ không được hưởng các quyền lợi của cổ đông. Hay nói dễ hiểu hơn, trước ngày đăng kí cuối cùng là ngày giao dịch không hưởng quyền.
Lưu ý: Nếu ngày đăng ký cuối cùng là thứ hai thì ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là thứ sáu của tuần trước. Hay nếu trước ngày đăng ký cuối cùng là những ngày lễ nghỉ dài ngày thì nhà đầu tư cần loại ra một cách chính xác để xác định đúng ngày giao dịch không hưởng quyền.
Ví dụ: Nếu ngày 24/6 là ngày đăng ký cuối cùng thì ngày 23/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền.
– Nếu bạn mua cổ phiếu vào ngày 22/6, thì ngày cổ phiếu về tài khoản là ngày 24/6. Điều này có nghĩa là bạn sẽ có tên trong danh sách cổ đông khi chốt quyền.
– Nếu bạn mua cổ phiếu vào ngày 23/6, thì ngày cổ phiếu về tài khoản là ngày 25/6, bạn sẽ không được hưởng quyền cổ đông vì đã sau ngày đăng kí cuối cùng.
2. Giá cổ phiếu sau ngày giao dịch không hưởng quyền
Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, giá cổ phiếu sẽ giảm một khoảng tương ứng với giá trị phần cổ tức được chia. Những nhà đầu tư nằm trong danh sách được hưởng cổ tức sẽ được bù đắp khoản giảm giá cổ phiếu đó bằng chính số cổ tức được hưởng thêm trong thời gian trả cổ tức đã được doanh nghiệp công bố.
3. Cổ đông cần giữ cổ phiếu bao lâu để có quyền nhận cổ tức?
Như đã trình bày phía trên, chỉ cần nhà đầu tư có tên trong danh sách vào ngày chốt quyền, cổ đông đó đương nhiên sẽ được hưởng quyền lợi, không kể cổ đông đó đã giữ cổ phiếu từ lâu hay mới chỉ được ghi tên vào trước ngày chốt quyền.
4. Nên mua cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền không?
Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền, nhà đầu tư sẽ không được hưởng những quyền lợi liên quan đến cổ đông. Nhưng bù lại, việc mua cổ phiếu vào ngày không hưởng quyền sẽ có một số lợi ích lớn sau:
- Giá của cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền thường sẽ giảm. Nguyên nhân là vì áp lực xả hàng cực mạnh trước đó của các nhà đầu tư đã nắm giữ cổ phiếu khi họ không muốn giá cổ phiếu mình bị giảm. Nếu chúng ta quyết định mua vào lúc này thì sẽ được hưởng giá thấp và sau ngày chia cổ tức thì giá của cổ phiếu sẽ không chênh lệch quá nhiều.
- Khi sở hữu cổ phiếu không hưởng quyền, nhà đầu tư có thể linh hoạt bán ra ngay khi cổ phiếu về tài khoản, không cần phải đợi chờ một thời gian dài mới có thể bán ra như cổ phiếu hưởng quyền.
- Một số nhà đầu tư cũng phàn nàn thời gian cổ tức, cổ phiếu thưởng về tài khoản quá lâu. Khi hỏi công ty chứng khoán thì được trả lời là đó chỉ là ngày dự kiến, chứ chưa chính thức… nên không thiết tha nắm giữ cổ phiếu đến ngày chốt quyền.
5. Xu hướng giao dịch của nhà đầu tư trước và sau những ngày giao dịch không hưởng quyền
Nhiều nhà đầu tư có xu hướng bán mạnh cổ phiếu vào gần ngày giao dịch không hưởng quyền. Qua ngày này, khi giá cổ phiếu giảm xuống, nhà đầu tư lại tích cực mua vào. Bởi việc chia thưởng khiến nhà đầu tư phải chôn vốn, do quy trình phát hành và lưu ký đòi hỏi khá nhiều thời gian.
Trước đây, trong điều kiện thị trường bùng nổ, việc chia thưởng cổ phiếu thường kéo theo một chuỗi tăng giá nên nhà đầu tư chấp nhận chôn vốn trong thời gian dài. Nhưng hiện nhiều người đã trở nên thận trọng hơn trước động thái chia tách (mà thực chất là kỹ thuật pha loãng cổ phiếu) và không kỳ vọng đến một chuỗi tăng giá dài.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về: Cổ phiếu ESOP là gì?
Trước những biến động khó lường của thị trường, nhiều nhà đầu tư lo sợ thời gian chờ đợi khoản lợi tức này về tài khoản quá lâu, giá cổ phiếu không tăng như kỳ vọng mà rớt xuống hoặc đi ngang. Do vậy không ít người quyết định bán ra trước khi chia tách cho chắc và mua lại với giá rẻ sau đó. Với cách đầu tư này, nhà đầu tư sẽ không bị ứ đọng vốn như khi mua trước ngày chốt quyền, nhà đầu tư sẽ có một lượng tiền mặt cần thiết cho việc đầu tư cơ ngắn hạn.
Giao dịch mua cổ phiếu trong và sau ngày hưởng quyền tuy không nhận được lợi ích như cổ đông nhưng vẫn có một số lợi ích nhất định. Hy vọng bài viết có thể giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn trong mùa trả cổ tức hay họp cổ đông này.