Chỉ số EPS là gì? EPS tên tiếng Anh là Earning Per Share, là lợi nhuận sau thuế từ một cổ phiếu mà nhà đầu tư sẽ được nhận. EPS là một chỉ số cực kì quan trọng trong việc so sánh, định giá cổ phiếu mà nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán bắt buộc cần phải nắm rõ. Vậy chỉ số EPS là gì? EPS bao nhiêu là tốt? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về EPS và tầm quan trọng của nó.
1. Chỉ số EPS là gì?
EPS hay Earning Per Share là lợi nhuận sau thuế từ một cổ phiếu mà nhà đầu tư sẽ được nhận. Đây là khoản lời thu được từ một lượng vốn ban đầu nên EPS được dùng để đánh giá khả năng sinh lời của một dự án đầu tư hay một doanh nghiệp nào đó. Các công ty cũng sẽ dùng EPS để phân chia lãi suất cho các cổ phiếu đang lưu thông trên thị trường.
Ví dụ: Một doanh nghiệp có khoảng 1 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, tổng lợi nhuận sau thuế là 1 triệu USD thì chỉ số EPS sẽ khoảng 1 USD, hay nói cách khác lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là 1 USD.
2. Ý nghĩa của chỉ số EPS là gì?
- EPS phản ánh tình hình kinh doanh của một doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn khi tham gia đầu tư vào cổ phiếu. Chỉ số EPS của doanh nghiệp cao chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt và chỉ số EPS sẽ có xu hướng tăng trưởng đều theo thời gian.
- Giúp nhà đầu tư so sánh các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, từ đó dễ dàng lựa chọn nên đầu tư vào doanh nghiệp nào.
- EPS còn được dùng để tính các chỉ số tài chính quan trọng khác như P/E, ROE (trong trường hợp công ty cổ phần không có cổ phần ưu đãi).
3. Phân loại chỉ số EPS
Chỉ số EPS được chia thành 2 loại là EPS cơ bản và EPS pha loãng.
3.1. EPS cơ bản (Basic EPS)
Là lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu thường, được tính dựa trên công thức:
EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức trả cho cổ đông ưu đãi) / Lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành.
Trong đó:
– Lợi nhuận sau thuế (còn gọi là lợi nhuận ròng): Là khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được sau khi trừ đi các loại chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lợi nhuận ròng = Lợi nhuận thuần của các hoạt động tài chính + Doanh thu thuần + Các khoản bất thường khác – Chi phí (Chi phí quản lý doanh nghiệp + Phí bán hàng + Các khoản phí bất thường) – Giá vốn bán hàng – Thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Cổ tức trả cho cổ đông ưu đãi: Khoản lợi nhuận mà các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ưu đãi được nhận.
– Số lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành: Nhiều nhà đầu tư lựa chọn số lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành tại thời điểm cuối kỳ để dễ tính toán. Nhưng để kết quả chỉ số EPS chính xác hơn, cần lấy số liệu về số lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành tại thời điểm đó.
Ví dụ: Một công ty A có lợi nhuận sau thuế của 4 quý gần nhất là 10.295 tỷ đồng với số lượng cổ phiếu bình quân lưu hành là 1.741 tỷ cổ phiếu. Công ty chi 785 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông ưu đãi. Như vậy, chỉ số EPS cơ bản là: EPS = (10,295 – 785) / 1.741 = 5,463.4 đồng/cổ phiếu.
3.2. EPS pha loãng (Diluted EPS)
Được dùng để hạn chế rủi ro và pha loãng lợi nhuận của một cổ phiếu. EPS pha loãng luôn bằng hoặc thấp hơn EPS cơ bản vì nó kết hợp các cổ phiếu hiện không được lưu hành nhưng có thể trở nên lưu hành nếu quyền chọn mua cổ phiếu và các chứng khoán chuyển đổi khác được thực hiện. EPS pha loãng có tính chính xác cao hơn vì nó có đo lường, phản ánh được sự thay đổi lượng cổ phiếu qua các sự kiện, biến cố.
EPS pha loãng = (Lợi nhuận ròng – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / (Lượng cổ phiếu đang lưu hành + Lượng cổ phiếu sẽ được chuyển đổi)
Thực tế, các doanh nghiệp cần đánh giá kết quả của hoạt động kinh doanh dựa trên cả 2 loại chỉ số trên để có thể khái quát được các biến động của thị trường và đo lường được lợi tức của mỗi cổ phiếu sau thuế.
4. Chỉ số EPS thế nào là tốt?
Một EPS tốt sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như hiệu suất gần đây của công ty, hoạt động của các đối thủ cạnh tranh và kỳ vọng của các nhà phân tích theo dõi cổ phiếu. Đôi khi, một công ty có thể báo cáo EPS đang tăng, nhưng cổ phiếu có thể giảm giá nếu các nhà đầu tư mong đợi một con số thậm chí còn cao hơn.
Do đó, điều quan trọng là phải luôn đánh giá EPS liên quan đến giá cổ phiếu của công ty, chẳng hạn như bằng cách xem xét P/E.
5. Mối quan hệ giữa chỉ số EPS và P/E
EPS là bộ phận chủ yếu cấu thành nên tỉ lệ P/E (hệ số giá trên thu nhập). E trong chỉ số P/E chính là EPS. Chỉ số P/E sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định dễ dàng hơn khi lựa chọn cổ phiếu, dự án để đầu tư. Chỉ số P/E còn cho biết cùng một cổ phiếu thì giá thị trường của nó cao hơn lợi nhuận bao nhiêu lần. Mối quan hệ giữa EPS và P/E được thể hiện qua công thức:
P/E = P / EPS
Trong đó:
- P (Market Price): Giá của thị trường.
- EPS: Mức lợi nhuận sau thuế trên một cổ phiếu.
- P/E: Chỉ số phản ánh hệ số giá của thu nhập.
6. Hạn chế của chỉ số EPS là gì?
Măc dù chỉ số EPS cực kỳ hiệu quả để so sánh doanh nghiệp, định giá cổ phiếu, đánh giá khả năng thu được lợi nhuận và được sử dụng trong báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng nó vẫn có một số hạn chế nhất định sau:
- Chỉ số EPS sẽ có trường hợp xuất hiện kết quả âm khiến công thức P/E không có ý nghĩa, bắt buộc công ty phải sử dụng đến một công cụ để đánh giá mức độ lợi nhuận khác.
- Lợi nhuận biến động có thể do đột biến, bán tài sản, chủ doanh nghiệp cố tình hay thuộc ngành có chu kỳ cao làm cho EPS dễ bị bóp méo.
- Khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu ESOP, trái phiếu chuyển đổi hay các cổ phiếu thường sẽ làm chỉ số EPS giảm, gây nhiều rủi ro và giảm mức lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được trên mỗi cổ phiếu.
- Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi đầu tư vào các doanh nghiệp có lợi nhuận ảo bằng việc tăng số lượng hàng tồn kho và các khoản phải thu.
Kiến thức bổ ích: Chỉ số IRR là gì?
Đối với các nhà đầu tư mới, việc tìm hiểu chỉ số EPS chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đây là kiến thức bắt buộc nhà đầu tư cần nắm rõ, biết cách tính và vận dụng EPS để đưa ra các quyết định đầu tư. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu chỉ số EPS là gì và có thể áp dụng chỉ số này vào việc đầu tư thật hiệu quả.