DNLANDS

Kiểm tra nợ xấu bằng CMND/CCCD chi tiết nhất

Dnlands Admin 30.05.2022

Theo lẽ thường, bạn phải đi vay thì mới mắc nợ. Nhưng dù không vay mượn, bạn vẫn có nguy cơ trở thành con nợ. Điều này có thể là vì bạn đứng ra bảo lãnh cho vay dùm người khác, hoặc bị đánh cắp, làm giả thông tin cá nhân và bị thực hiện giao dịch vay mượn mà bạn không hay biết. Chỉ khi có nhu cầu vay vốn và bị ngân hàng từ chối với lý do nợ xấu, bạn mới hoảng hốt nhận ra mình đã mắc nợ. Vậy để biết bản thân có bỗng dưng mắc nợ hay không, chúng ta phải kiểm tra nợ xấu bằng CMND/CCCD!

Kiểm tra nợ xấu bằng CMND

Nợ xấu là gì?

Hiểu đơn giản, nợ xấu là khoản nợ có nguy cơ khó đòi, khi người vay không thể thanh toán đúng hạn các khoản trả góp, tín dụng, vay vốn cho các tổ chức tài chính như đã cam kết. Tùy thuộc vào khoản nợ đã quá hạn bao lâu mà khoản nợ đó được liệt vào nhóm nợ xấu, hay chỉ là trễ nợ thông thường. Có 5 cấp độ đo lường độ chậm thanh toán của khoản nợ, trong đó nhóm khách hàng chậm thanh toán ở cấp độ 1 và 2 chỉ được tính là trễ nợ; còn nhóm khách hàng chậm thanh toán ở cấp độ 3,4,5 đã bị liệt vào danh sách nợ xấu.

+Nhóm 1 – Nợ đủ tiêu chuẩn: gồm có 03 loại, trong đó phổ biến nhất là nợ quá hạn từ 1 đến 10 ngày.
+Nhóm 2 – Nợ cần lưu ý: gồm có 03 loại, trong đó phổ biến nhất là (1) nợ quá hạn từ 10 – 90 ngày và (2) nợ được điều chỉnh thời hạn trả nợ lần đầu.
+Nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn: gồm có 05 loại, trong đó điển hình nhất là (1) nợ quá hạn từ 91 – 180 ngày và (2) nợ được gia hạn lần đầu.
+Nhóm 4 – Nợ nghi ngờ (không thu hồi được): bao gồm 06 loại, trong đó phổ biến nhất là (1) nợ quá hạn từ 181 – 360 ngày và (2) nợ được điều chỉnh thời hạn trả nợ lần thứ hai;
+Nhóm 5 – Nợ có khả năng không thu hồi được: gồm có 8 loại, trong đó phổ biến nhất là (1) nợ quá hạn trên 360 ngày và (2) nợ được điều chỉnh lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.

Khách hàng thuộc nhóm 1 và 2 vẫn được xét duyệt vay vốn tiếp, vì khách hàng ở hai nhóm này vẫn có khả năng trả đủ nợ. Nhưng để tiếp tục vay vốn, nhóm số 1 và số 2 sẽ phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn khác khắt khe hơn. Chỉ khi khách hàng thuộc nhóm 3,4,5 mới bị liệt vào danh sách nợ xấu và không thể được xét duyệt cho vay. Bởi khả năng thu hồi nợ ở cả 3 nhóm này là rất thấp, thậm chí nợ nhóm 5 được coi là không thể thu hồi nợ.

Kiểm tra nợ xấu bằng CMND/CCCD

Có nhiều tổ chức giúp kiểm tra nợ xấu bằng CMND/CCCD, nhưng có hai cách chính thống và an toàn giúp bạn kiểm tra mình có đang mắc nợ xấu hay không. Cách thứ nhất là kiểm tra trực tiếp tại ngân hàng và cách thứ hai là tra cứu miễn phí tại Trung tâm Tín dụng quốc gia CIC.

Hướng dẫn kiểm tra nợ xấu bằng CMND CCCD

Kiểm tra nợ xấu bằng CMND/CCCD qua ngân hàng

Cách thứ nhất để kiểm tra nợ xấu bằng CMND là thông qua dịch vụ tại ngân hàng. Đây là một kiểu dịch vụ của ngân hàng nên sẽ tốn phí, tùy từng ngân hàng mà phí kiểm tra sẽ dao động từ 200.000 VND đến 300.000 VND. Và cũng vì thế, thông tin về khoản nợ xấu sẽ được cung cấp chi tiết, kể cả khoản nợ cách đây nhiều năm về trước.

Bạn có thể kiểm tra nợ xấu bằng CMND khi giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, hoặc kiểm tra online qua app ngân hàng. Cụ thể như sau:

Bước 1: Đăng ký vay vốn online tại app ngân hàng đang dùng.
Bước 2: Cung cấp các thông tin cá nhân, số CMND, ảnh chụp hai mặt CMND để định danh người đăng ký
Bước 3: Khi có báo cáo kiểm tra nợ xấu bằng CMND, sẽ có email gửi đến cho bạn hoặc sẽ có thông báo đến từ mục thông báo tại app.

Tham khảo thêm: Có nên mua bảo hiểm nhân thọ không?

Kiểm tra nợ xấu bằng CMND miễn phí trên CIC

Cách thứ hai là tra cứu miễn phí tại Trung tâm Tín dụng Quốc gia CIC. Bạn có thể trực tiếp truy cập vào website của CIC hoặc tải app CIC về điện thoại và tra cứu. Tất cả các thông tin về lịch sử nợ xấu, trễ nợ đều được lưu trữ ở CIC, và các ngân hàng hay tổ chức tài chính trước khi quyết định cho vay đều sẽ duyệt hồ sơ nợ xấu của bạn ở CIC.

Tra cứu tại website CIC

Để kiểm tra nợ xấu bằng CMND/CCCD ở website CIC, bạn phải đăng ký tài khoản (lần đầu) bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (như hình), ảnh chân dung cá nhân, ảnh CMND hai mặt.

Kiểm tra nợ xấu bằng cmnd ccccd tại website của CIC

Website của CIC

Đăng ký tài khoản lần đầu tại CIC để kiểm tra nợ xấu bằng CMND

Đăng ký tài khoản lần đầu tại CIC

Sau 1 đến 3 ngày làm việc, CIC sẽ rà soát thông tin, xác định người đăng ký là chủ nhân của số CMND, sau đó kích hoạt tài khoản của bạn. Sẽ có nhân viên gọi điện thoại xác nhận và hệ thống sẽ gửi email cho bạn. Lúc này, bạn có thể đăng nhập vào CIC, truy cập mục Khai thác báo cáo, đối chiếu mục Mức độ rủi ro với thông tin ở dưới để kiểm tra mình có nợ xấu hay không.

Tra cứu tại app CIC

Quy trình tra cứu tại web CIC hay app CIC giống hệt nhau. Bạn phải đăng ký tài khoản lần đầu bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân. Sau đó chờ 1 đến 3 ngày làm việc để nhân viên xác nhận và kích hoạt tài khoản đăng ký

Tải app CIC để tra cứu nợ xấu bằng CMND CCCD

Tải App CIC trên ứng dụng di động

Đăng ký tài khoản tại app

Đăng ký tài khoản tại app

Cuối cùng khi tài khoản của bạn đã được kích hoạt, bạn click vào mục Khai thác báo cáo, đối chiếu mục Mức độ rủi ro với thông tin ở dưới để kiểm tra mình có nợ xấu hay không.

Kiểm tra mức độ rủi ro để xem mình có mắc nợ xấu không trên app cic

Kiểm tra mức độ rủi ro để xem mình có mắc nợ xấu không

Không vay tiền nhưng vẫn dính phải nợ xấu thì phải làm thế nào?

Nhiều người không bao giờ nợ nần, nhưng có khi vẫn oan ức trở thành con nợ. Chính sự tiện lợi và đơn giản của chính sách cho vay đã khiến nhiều kẻ lợi dụng làm giả giấy tờ để tiến hành các giao dịch vay vốn mà chính chủ không hay biết.

Theo điều luật 463 của Bộ luật Dân sự năm 2015, việc vay nợ là và trả nợ là thỏa thuận của bên vay và bên cho vay. Cũng có nghĩa là, chỉ cần chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện vay vốn, bạn không có nghĩa vụ phải trả khoản nợ bỗng dưng từ trên trời rơi xuống này.

Lỡ có nợ xấu, mất bao lâu để xóa lịch sử nợ?

Lịch sử nợ nhóm 1 và 2 sẽ được CIC xóa sau 12 tháng kể từ khi thanh toán. Lịch sử nợ xấu, tức nợ nhóm 3,4,5 sẽ được xóa sau 5 năm sau khi hoàn tất thanh toán. Riêng với các khoản nợ xấu dưới 10 triệu, lịch sử nợ xấu sẽ được xóa ngay lập tức sau khi tất toán và sau khi các tổ chức tài chính báo cáo với CIC.
Như vậy lịch sử nợ xấu sẽ được CIC lưu trữ tối đa 5 năm. Sau khoảng thời gian này, khách hàng vẫn có thể tiếp tục được cho vay nhưng trên thực tế, khả năng vay được là không cao.

Trên đây là những giải đáp cho một số thắc mắc liên quan đến nợ xấu và việc kiểm tra nợ xấu bằng CMND/CCCD. Nên kiểm tra nợ xấu cá nhân định kỳ, để thông qua đó cập nhật hiện trạng nợ nần của bản thân, phát hiện và nhanh chóng giải quyết nếu có phát sinh bất kỳ khoản nợ xấu nào từ trên trời rơi xuống. Và rõ ràng, một khi bị vướng vào cái mác nợ xấu, cơ hội cho những lần vay vốn tiếp theo sẽ không còn rộng mở như trước.

Rate this post
Chia sẻ
0915830299
DMCA.com Protection Status