Chi phí cơ hội là gì? Cách xác định chi phí cơ hội để đưa ra lựa chọn đúng đắn
Chi phí cơ hội là một thuật ngữ được sử dụng trong kinh tế học nhưng nó vẫn xuất hiện phổ biến trong cuộc sống hàng ngày khi bạn đưa ra quyết định lựa chọn giữa hai phương án. Hãy cùng Dnlands tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Chi phí cơ hội là gì?
Chi phí cơ hội hay Opportunity Cost là những khoản chi phí đại diện cho lợi ích tiềm tàng mà cá nhân hay doanh nghiệp đã bỏ lỡ khi lựa chọn phương án này thay vì lựa chọn phương án khác. Chi phí cơ hội không nhất thiết phải là tiền bạc mà nó còn là các giá trị thời gian, tinh thần khác của con người.
Ví dụ: Khi một người lựa chọn bỏ 10.000 USD vào đầu tư chứng khoán thay vì gửi tiết kiệm ở ngân hàng thì người đó đã bỏ lỡ cơ hội được hưởng lãi suất tiền gửi. Chi phí cơ hội trong trường hợp này chính là khoản lãi tiết kiệm đáng ra sẽ có khi gửi tiết kiệm ở ngân hàng.
Chi phí cơ hội xảy ra rất nhiều trong thực tế, bởi vì chúng ta đều phải đưa ra các lựa chọn trong cuộc sống mỗi ngày và mỗi lựa chọn đều sẽ tồn tại chi phí cơ hội. Ví dụ: Nếu bạn bè hẹn bạn đi xem phim nhưng bạn lại quyết định ở nhà để học tập thì chi phí cơ hội ở đây chính là thời gian xem một bộ phim hay với bạn bè để đổi lấy những kiến thức mà bạn học được.

Chi phí cơ hội
2. Ý nghĩa của chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng không những trong cuộc sống hàng ngày mà còn trong đầu tư, kinh doanh. Chi phí cơ hội giúp chúng ta biết được lợi ích có thể thu được là gì và phần lợi ích về thời gian, tiền bạc hay công sức khi lựa chọn phương án khác là như thế nào để đưa ra được những quyết định đúng đắn.
Chi phí cơ hội giúp chúng ta phải suy nghĩ kỹ lưỡng, xem xét cẩn thận trước khi đưa ra quyết định; giúp chúng ta nhận biết được đâu là cơ hội tốt đối với bản thân, đâu là cơ hội chưa thật sự tốt cần phải tránh nhằm tận dụng hiệu quả những gì chúng ta sở hữu.
3. Công thức tính chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội được tính bằng công thức sau: OC = FO – CO
Trong đó :
- OC (Opportunity cost): Chi phí cơ hội
- FO (Return on best foregone option): Lợi nhuận của lựa chọn hấp dẫn nhất
- CO (Return on chosen option): Lợi nhuận của lựa chọn được chọn
Ví dụ: Một người đang có 2 phương án đầu tư:
- Phương án 1: Đầu tư 100.000 USD vào chứng khoán, lợi nhuận ước tính 16%/năm. Với phương án này nhà đầu tư B có thể kiếm được 21.000 USD.
- Phương án 2: Đầu tư trang thiết bị sản xuất mới (tài sản cố định). Phương án này giúp nhà đầu tư B kiếm thêm được 12% lợi nhuận, cụ thể là 18.000 USD.
Nếu nhà đầu tư lựa chọn phương án 2 thì chi phí cơ hội sẽ được xác định như sau: OC = FO – CO = 21.000 – 18.000 = 3.000 USD
Thông tin hữu ích bạn nên biết: Vàng Ý là gì?
4. Ưu và nhược điểm khi phân tích chi phí cơ hội
Ưu điểm
- Việc biết những giá trị mà mình sẽ bỏ lỡ khi lựa chọn một phương án nào đó sẽ giúp chúng ta cẩn thận, bình tĩnh, xem xét kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra quyết định.
- Doanh nghiệp khi phân tích chi phí cơ hội sẽ có thể so sánh lợi ích và giá trị tương đối của từng phương án, từ đó đưa ra được quyết định đúng đắn mang lại lợi ích tốt nhất.

Phân tích chi phí cơ hội giúp chúng ta đưa ra được quyết định đúng đắn
Nhược điểm
- Việc dành thời gian để xem xét chi phí cơ hội của các lựa chọn sẽ khiến chúng ta mất nhiều thời gian hơn trong việc đưa ra một quyết định. Điều này khiến chúng ta chậm trễ trong việc ra quyết định, đôi khi còn khiến chúng ta vụt mất nhiều cơ hội tốt khác khi đòi hỏi phải ra quyết định nhanh chóng.
- Việc xác định chính xác giá trị hay lợi nhuận của từng phương án sẽ rất khó, đòi hỏi chúng ta phải biết cách ước lượng. Nếu chúng ta ước lượng quá sai lệch sẽ dẫn đến kết quả tính toán bị sai, điều này có thể khiến chúng ta đưa ra quyết định sai lầm.
- Chi phí cơ hội là những chi phí vô hình cho nên khoản chi phí này không được hạch toán vào trong tài khoản kế toán của công ty.
5. Một số chi phí cơ hội liên quan khác
5.1. Chi phí cơ hội của vốn
Chi phí cơ hội của vốn hay chi phí cơ hội vốn của doanh nghiệp có nghĩa là số tiền mà doanh nghiệp có thể nhận được khi lựa chọn phương án sử dụng tốt tiếp theo so với phương án đã lựa chọn. Việc xác định chi phí cơ hội vốn của doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong kinh doanh
5.2. Chi phí cơ hội của một hàng hóa
Chi phí cơ hội của một hàng hóa có nghĩa là số lượng hàng hóa khác phải hy sinh để có thêm một đơn vị hàng hóa đó.
5.3. Chi phí cơ hội tăng dần
Chi phí cơ hội tăng dần là một quy luật. Theo quy luật này, khi bạn càng thêm nhiều nguồn lực hạn chế vào một hoạt động, chi phí cơ hội sẽ tăng lên theo mỗi đơn vị nguồn lực được thêm vào.
Ví dụ: Một phòng ban có 7 nhân viên, sau đó 1 nhân viên phải chuyển công việc làm ở phòng ban khác. Lúc này phòng ban đó đã mất đi một ít doanh số và phòng ban đó sẽ mất nhiều doanh số hơn nếu chuyển đi nhiều nhân viên hơn. Bởi vì các nhân viên còn lại sẽ phải chịu áp lực và khối lượng công việc lớn hơn khiến họ không thể làm tốt như bình thường.

Chi phí cơ hội tăng dần là một quy luật
6. Điểm khác nhau giữa chi phí cơ hội và chi phí chìm
Chi phí chìm (Sunk Cost) là những khoản chi phí đã bỏ ra và không thể lấy lại được dù bạn chọn bất kỳ phương án nào.. Ví dụ: Khi bạn mua một món đồ có giá 100.000 đồng nhưng lúc nhận lại không đúng với hình ảnh quảng cáo. Lúc này cho dù bạn có sử dụng hay bỏ đi thì số tiền 100.000 mà bạn phải bỏ ra không thể lấy lại được, đây chính là chi phí chìm.
Tiêu chí | Chi phí chìm | Chi phí cơ hội |
Tính chất | Rõ ràng, cố định | Khó xác định |
Tính toán | Vì là chi phí đã phát sinh nên có thể tính toán chính xác. | Vì chưa phát sinh nên không thể tính toán chính xác, chỉ là con số ước lượng. |
Báo cáo | Được ghi vào bảng cân đối kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp. | Không được ghi vào bảng cân đối kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp |
Vai trò | Không được lấy làm cơ sở để ra quyết định kinh doanh. | Là cơ sở hữu ích để đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả. |
Chi phí cơ hội là một chi phí có ý nghĩa rất quan trọng, giúp chúng ta đưa ra các lựa chọn đúng đắn. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ về chi phí cơ hội cũng như có thể áp dụng được trong cuộc sống.